Một cuộc đấu không cân sức

Chiều, gã tròng đồ bảo hộ, vác máy cắt cỏ ra vườn. Đây sẽ là đợt cắt cỏ cuối của mùa vụ này, để thoáng chỗ bón phân cho cây (chứ không thì cho bao nhiêu phân xuống, cỏ chúng sẽ xơi hết), rồi dùng xác cỏ tấp phủ, rồi xịt vi sinh lên để biến xác cỏ thành phân bón luôn. Sau đó, dĩ nhiên sẽ để cỏ lại che phủ đất cho qua mùa nắng.

Thấy gã lui cui cắt cắt, máy chạy ò ò, chú hàng xóm khuyên (Rất là chân tình nha. Gã cảm nhận được là chú thương mới khuyên vậy đó) nên xịt cỏ cho nhanh. “Bình thuốc có trăm ngàn, mày xịt đẫm vào cho chú là mấy tháng sau không phải lo chuyện cỏ. Chứ mày tính đi, cắt cỏ cũng tốn xăng. Vườn mày như kia, bét cũng tốn 10 lít xăng, đắt hơn tiền chai thuốc. Chưa kể, xịt thuốc 1 ngày là xong. Mày cắt, chú nói, 3 ngày chưa chắc xong. 3 ngày công là bao tiền?”.

Tất nhiên, gã biết, bài tính của chú hàng xóm hoàn toàn đúng về mặt số liệu. Không cần chú chỉ điểm, gã cũng tự tính ra được mà.

Nói tới đây thì hẳn các bạn theo trường phái nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp một cọng rơm sẽ cãi liền, rằng cỏ có giá trị rất lớn – cỏ che phủ đất, cỏ nuôi dưỡng vi sinh vật, cỏ chết đi thành sinh khối… Nhưng, xin hãy nhìn vấn đề rộng hơn một chút.

Mùa cà phê vừa rồi, nhiều công hái cà chê vườn gã, không hái, vì “Vườn nhiều cỏ quá, kéo bạt mệt”, “Kiến nhiều quá, cắn đau lắm”, “Cà ít trái quá, hái không đạt công”… và vô số lý do khác nữa, bao gồm cả lý do gã không cho uống rượu ở vườn. Chẳng thế mà gã phải chấp nhận đội hái cà… dở ẹc – hái sót tùm lum, ưng thì làm ưng thì nghỉ, đòi tiền công cao, “xin” thêm tiền xăng đi lại, đòi đãi ăn, chưa kể mỗi ngày xong việc lại “xin” một mớ nông sản trong vườn gã mang về.

Trong khi đó, vườn chú hàng xóm xịt cỏ sạch bóng, xịt kiến, xịt thêm mớ thuốc bảo vệ thực vật nên trái chín trĩu cành, kêu 8 công vô hái rẹt rẹt 5 ngày là xong. Vườn gã diện tích cũng sêm sêm chú hàng xóm, trung bình ngày 10 người hái mà cả tháng mới xong. Tính ra gã tốn tiền công gấp 3 lần chú chỉ để bảo lưu cái quan điểm làm vườn thuận tự nhiên, để giữ đám cỏ, để giữ mấy tổ chim, tổ ong trong vườn.

Vì chú dập thuốc vô tới tấp nên cây cối xanh um, đều tăm tắp, sản lượng gấp rưỡi vườn gã – cái vườn có cây đẹp cây xấu, cây chín trước cây chín sau loạn xị.

Quan trọng là, như chú nói – chú làm nông rất nhàn. Tới ngày tới giờ kêu người vô xịt cỏ, rồi tới ngày tới giờ kêu người vô tưới nước, chở mấy bao phân hóa học vô rải cái roẹt là xong, rồi lại tới ngày tới giờ kêu người vô thu hoạch, kêu lái tới bán roẹt, cầm tiền bỏ túi hoặc ting ting vô tài khoản. Còn gã? Thì đó, vác máy đi cắt cỏ (thuê người thì tốn tiền gấp 3 lần so với phương án xịt của chú), rồi còng lưng xúc từng xe rùa phân bò đẩy đi khắp vườn, bón từng cái cây, rồi lui cui ủ phân vi sinh tưới vườn, dạo này lại còn đèo bòng nuôi đám trùn quế để kiếm thêm phân bón.

Người nông dân không ngu. Canh tác hóa chất, với họ, là kiểu làm nông rất nhàn, nhanh, hiệu quả hơn hẳn so với kiểu làm nông thuận tự nhiên – loay hoay làm suốt từ ngày này sang tháng nọ, tốn kém nhiều hơn mà năng suất lại không bằng. Thậm chí, ra thị trường, cây trái hóa chất luôn to, đẹp so với đám nông sản lớn nhỏ tá lả, trái thẳng trái cong búa xua. Nếu bán cho thương lái, cây trái hóa chất sẽ được chọn chứ không phải cây trái vườn rừng.

Cho nên, muốn người nông dân từ bỏ nông nghiệp hóa chất là điều cực kỳ cực kỳ cực kỳ khó khăn và những lý lẽ kiểu như để cỏ phủ đất, bón phân hữu cơ dưỡng đất, ngừng phun xịt để giảm nguy cơ bệnh tật… sẽ không có hiệu quả mấy. Thứ hiệu quả duy nhất là phải chứng minh bằng tiền. Phải, nghe rất phũ phàng và trần trụi, nhưng phải chứng minh bằng tiền. Khi và chỉ khi sản vật thanh lành bán được giá cao hơn, bù được và hơn công sức bỏ ra thì mới mong nông dân thay đổi. Bằng không, họ sẽ vẫn canh tác với hóa chất để đảm bảo sinh kế của chính họ, chăm lo cho gia đình họ.

Gã không trách chú hàng xóm. Mấy năm ở rừng, tiếp xúc nhiều với nông dân, gã cho rằng mình phần nào hiểu được tâm tình của người nông dân. Thậm chí, khi khuyên gã từ bỏ lối làm nông “cực khổ” của gã, chú chỉ mong gã thảnh thơi được như chú, kiếm được nhiều tiền giống chú.

Nhưng mà gã… lì lắm. Quyết định đi vào rừng, gã muốn tự tay mình trồng lên cây trái sạch cho chính gã, cho gia đình gã, cho bạn bè, cho những người thân yêu. Cái đó thì bao nhiêu tiền cũng không đủ nên dù biết cực, dù biết không lời lãi nhiêu, dù biết sẽ phải rất kiên trì, gã vẫn sẽ làm vậy. Còn trước mắt, gã xem việc vác máy đi cắt cỏ là tập gym miễn phí, cho nó khỏe người, thế là được rồi.