Cây me Tây còn được gọi là cây còng, muồng tím, muồng ngủ; tên khoa học là Samanea saman. Nếu bạn cũng quan tâm đến cây rừng, nghe đến “muồng“, hẳn bạn đã có thể hình dung về một loại cây sinh trưởng nhanh, cao lớn và dễ thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, khí hậu.
Theo các tài liệu gã đọc được, cây còng cao trung bình từ 15-25 mét và trong điều kiện thích hợp có thể cao đến tận 50 mét. Điều quan trọng là tán cây rất lớn, có thể rộng đến tận 30 mét, nghĩa là thừa sức che mát cho cả con đường rộng 4 làn xe. Quan trọng hơn nữa, cây ít khi bị gió bão xô ngã nên ví dụ bạn trồng một cây (Èo, phải có mảnh đất đủ lớn chứ ha) cạnh nhà thì bao mát, khỏi cần sắm máy lạnh.
Hôm rồi, có người bạn báo có một số cây còng, muốn gởi tặng về rừng; người chị hay xin cây cho làng hỏi gã: “Em trồng không?“. Gã nhanh nhảu: “Cây gì em cũng trồng hết“.
Vì biết đất làng không đủ lớn, gã dự tính sẽ trồng khoảng 5 cây thôi (1 cây xòe bóng tới 30 mét thì 5 cây là quá dữ rồi, đủ che phủ hơn 4,5 sào đất. Ngờ đâu, bà chị bợ về những 12 cây Dĩ nhiên, cây đã mang về thì làm gì có chuyện trả lại. Gã nháy mắt với các bạn Bảo vệ rừng để đem cây vào rừng trồng thay vì chỉ trồng trong đất làng. Sứ mệnh trồng rừng của bọn gã bao gồm cả việc trồng lại rừng, trả lại cây cho Má Tự Nhiên, để dành cho mai sau.
Chiều vác cuốc vô rừng, kiếm khoảnh đất trống men theo con lạch nhỏ, gã quyết định trồng cây còng xuống đó. Một cái cây có thể xòe tán 30 mét mà không bị gió xô ngã, đủ biết bộ rễ của nó hoành tráng cỡ nào. Với một bộ rễ như vậy, cây càng lớn càng có khả năng giữ nước, giữ đất, và đó chính xác là những điều gã mong chờ, bên cạnh việc cho bóng mát, cho hoa đẹp (người ta còn hái lá cây cho gia súc ăn nữa).
Đã trồng thì phải chăm. Tây Nguyên hiện đang là mùa khô nên dù trồng cây gần lạch nước vẫn phải ngày ngày xách cái ca nhỏ múc nước tưới. Qua mùa mưa tới, cây bén rễ rồi thì không phải lo nữa.
P/s: Coi trong hình, cái cây bé tí thế thôi chứ mơi mốt là nó bự ự ự lắm đó.